Giám đốc Sở TN-MT Đặng Minh Đức |
Thời gian vừa qua, công tác quản lý đất đai tại Đồng Nai đã được siết chặt, tuy nhiên nhiều nơi vẫn còn xảy ra tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp, dự án kéo dài nhiều năm chưa hoàn thành... Để hiểu rõ hơn về việc xử lý vi phạm liên quan đến đất đai, dự án kéo dài, Báo Đồng Nai có cuộc trao đổi với ông ĐẶNG MINH ĐỨC, Giám đốc Sở TN-MT.
Theo Kế hoạch sử dụng đất đã được UBND tỉnh phê duyệt, năm 2021, Đồng Nai thực hiện gần 1,9 ngàn dự án trên các lĩnh vực. Các dự án trên có tổng diện tích hơn 26 ngàn ha, nằm trải đều ở tất cả các huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh.
Siết chặt quản lý đất đai
* Ông có thể đánh giá chung về tình hình quản lý đất đai tại Đồng Nai trong thời gian qua?
- Năm 2020, quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh đã được siết chặt. Tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp ở những khu vực đông dân cư đã giảm nhiều so với những năm trước đó. Các địa phương cũng đã mạnh tay hơn trong việc xử lý tình trạng vi phạm về đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Tuy trong năm vẫn còn xảy ra một số vụ việc vi phạm về đất đai nhưng cũng được sở tham mưu UBND tỉnh kịp thời xử lý, khắc phục. Sở TN-MT cũng phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát để quản lý theo đúng quy định của Luật Đất đai các diện tích đất nông - lâm trường, đất công, đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân thuê... Thông qua cơ sở dữ liệu đất đai của tỉnh, việc quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng đất trên địa bàn tỉnh chặt chẽ, khoa học và hiệu quả hơn.
* Trong năm 2021, Đồng Nai quy hoạch 350 dự án khu dân cư với 9,2 ngàn ha, theo ông như vậy liệu có quá nhiều?
- Thời gian qua, nhu cầu về nhà ở của người dân trên địa bàn tỉnh khá lớn, đặc biệt là các vùng có công nghiệp phát triển, người lao động trong và ngoài tỉnh về sinh sống nhiều như: H.Nhơn Trạch, H.Long Thành, H.Trảng Bom, H.Vĩnh Cửu, TP.Biên Hòa. Theo đó, tỉnh quy hoạch nhiều khu dân cư để đáp ứng yêu cầu của người dân về nhà ở, đất ở. Trong đó, khuyến khích các dự án về nhà ở xã hội để người dân có thu nhập thấp có thể mua nhà ổn định cuộc sống, hạn chế tình trạng phân lô bán nền đất nông nghiệp và xây dựng trái phép. Các dự án trước khi được quy hoạch và đưa vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được Sở TN-MT phối hợp với các địa phương rà soát kỹ, nếu phù hợp mới được chấp thuận.
Thu hồi nhiều dự án
* Quy định của Luật Đất đai, dự án được giao đất, cho thuê đất kéo dài quá 2 năm không thực hiện sẽ bị thu hồi. Tại sao ở Đồng Nai vẫn có những dự án kéo dài nhiều năm chưa thực hiện?
- Mỗi năm Sở TN-MT đều cùng với các địa phương rà soát, kiểm tra việc sử dụng đất đai ở các dự án; những dự án kéo dài quá thời hạn quy định, tùy theo tình hình thực tế và quy định của pháp luật có thể được gia hạn thêm một thời gian nữa hoặc thu hồi. Trong kế hoạch sử dụng đất hằng năm của các địa phương đều có mục hủy những dự án quá thời hạn không triển khai. Đồng thời, quy hoạch sử dụng đất cấp huyện giai đoạn 2021-2030, Đồng Nai có hơn 500 dự án bị loại bỏ do chậm triển khai. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục phối hợp với các huyện, thành phố rà soát để kịp thời thu hồi các dự án kéo dài chưa thực hiện để mời gọi các nhà đầu tư khác có đủ tiềm lực triển khai tiếp theo quy hoạch hoặc xóa quy hoạch dự án trả lại quyền lợi của người dân trên những thửa đất đó.
TP.Biên Hòa có 35 dự án bị hủy trong kế hoạch sử dụng đất năm 2021. Trong ảnh: Một góc TP.Biên Hòa. Ảnh: K.Minh |
* Trên địa bàn tỉnh có nhiều khu dân cư xây dựng hạ tầng hoàn chỉnh và đã bán hết cho người mua, song người mua chủ yếu là đầu tư nên có những khu dân cư hoàn thành 5-10 năm vẫn không có người sinh sống, gây lãng phí về đất đai. Theo ông, vấn đề này xử lý như thế nào?
- Việc xử lý các vi phạm về đất đai đều phải căn cứ vào luật, nghị định, thông tư, những dự án hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất có thể chuyển nhượng. Việc người dân mua đất, nhà ở các dự án có đầy đủ giấy tờ để đầu tư, sau khi có lời sẽ chuyển nhượng lại cho người mới không vi phạm quy định về Luật Đất đai. Thực tế có nhiều khu dân cư đã hoàn thiện hạ tầng, nhưng giao thông kết nối chưa thuận tiện, thiếu các dịch vụ đi kèm nên người dân chưa đến sinh sống. Vì thế, muốn các khu dân cư hoàn thành hạ tầng có người dân đến sinh sống thì các địa phương phải thực hiện tốt việc kết nối giao thông và quy hoạch, mời gọi nhà đầu tư phát triển các dịch vụ khác đi kèm để đảm bảo cho đời sống người dân như: trường học, y tế, chợ, trung tâm thương mại...
* Xin cảm ơn ông!
Khánh Minh (thực hiện)
baodongnai.com.vn