Cảng hàng không quốc tế (sân bay) Long Thành không chỉ đóng vai trò tạo kết nối về giao thông, phát triển ngành Hàng không mà còn mở ra không gian phát triển mới cho vùng nhờ kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho cả vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế. Từ đó, góp phần xây dựng một hệ kinh tế xung quanh sân bay.
Sân bay Long Thành được kỳ vọng sẽ thúc đẩy một nền kinh tế sân bay phát triển. Trong ảnh: Phối cảnh nhà ga hành khách sân bay Long Thành. Ảnh:P. Tùng |
* Khai thác lợi thế khu vực xung quanh sân bay
Sân bay Long Thành có tổng diện tích xây dựng hơn 5 ngàn ha tại H.Long Thành. Đây là một trong những khu vực phát triển kinh tế năng động nhất của Đồng Nai nói riêng cũng như khu vực Đông Nam bộ nói chung. Chính vì vậy, việc sân bay lớn nhất cả nước chính thức khởi công xây dựng được kỳ vọng sẽ tạo thêm sức bật mới cho khu vực này.
Phát biểu tại lễ khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1 vào tháng 1-2021, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, sân bay Long Thành với vị trí địa lý thuận lợi, được đầu tư trang thiết bị hiện đại, công nghệ hàng không tiên tiến, có khả năng tiếp thu các loại máy bay dân dụng lớn nhất. Để kết nối với Long Thành, sẽ có 3 tuyến đường bộ và 2 tuyến đường sắt (gồm đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - sân bay Long Thành; các tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Bến Lức - Long Thành, Phan Thiết - Dầu Giây). “Những tuyến đường này cùng với sân bay Long Thành sẽ mở ra không gian phát triển mới cho vùng kết nối, tạo động lực tăng trưởng mới, thúc đẩy cơ cấu kinh tế mới thiên về sản xuất dịch vụ, tạo ra năng lực cạnh tranh mới cho vùng Đông Nam bộ và cả nền kinh tế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Chính vì vậy, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, các địa phương có liên quan phải chủ động nghiên cứu, đưa vào quy hoạch phát triển khu vực để có sự đồng bộ, phát huy tác dụng lớn của sân bay Long Thành. Trong đó xây dựng một nền kinh tế xung quanh sân bay, thu hút mạnh mẽ đầu tư trong nước, quốc tế, thay đổi cơ cấu kinh tế, tăng trưởng mạnh dịch vụ, kể cả dịch vụ trong sân bay, góp phần giải quyết nhiều việc làm không chỉ ở Đồng Nai mà cả khu vực Nam bộ và cả nước, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Đối với Đồng Nai, việc phát huy lợi thế của sân bay Long Thành phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của địa phương được xem là một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, Đồng Nai nhận thức rằng, khi có sân bay quốc tế nằm ở trên địa bàn thì các lan tỏa của sân bay sẽ tác động đến cả một vùng rộng lớn chứ không chỉ là “câu chuyện” sân bay khai thác được như thế nào, tỉnh được bao nhiêu. “Đó không phải là mong muốn duy nhất. Mong muốn lớn hơn nữa là sự lan tỏa. Tất cả những gì lợi thế mà sân bay mang lại Đồng Nai cũng phải nghiên cứu ngay từ bây giờ đưa hết vào trong quy hoạch” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng cho biết.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tiến Dũng, khi quy hoạch được hoàn thành, Đồng Nai sẽ xác định cụ thể từng nội dung để “phân vai” thực hiện. Nội dung nào sẽ thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách, nội dung nào sẽ kêu gọi nguồn vốn đầu tư để hình thành một vùng xung quanh sân bay phát triển một cách đồng bộ và tận dụng được tối đa các lợi thế mà sân bay đem lại.
* Sức hút đầu tư
Cuối tháng 12-2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Theo đó, Đồng Nai sẽ có thêm 3 KCN là Long Đức 3, Bàu Cạn - Tân Hiệp (H.Long Thành), Xuân Quế - Sông Nhạn (H.Cẩm Mỹ). Đây là những KCN nằm trong “vùng ảnh hưởng” trực tiếp của dự án Sân bay Long Thành. Theo đánh giá, với hệ thống hạ tầng giao thông hiện có cộng với sức hấp dẫn của dự án Sân bay Long Thành, những KCN mới này trong tương lai sẽ trở thành nơi “hút vốn” của các nhà đầu tư vào địa bàn Đồng Nai.
Trước đó, một lĩnh vực khác đã thu hút rất nhiều nguồn vốn đầu tư nhờ “lực hấp dẫn” từ “siêu” dự án Sân bay Long Thành được thể hiện rõ chính là bất động sản. Kể từ khi dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư sân bay Long Thành được chính thức triển khai đến dấu mốc khởi công xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1, hàng loạt dự án bất động sản của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã “đổ dồn” về địa bàn H.Long Thành và các địa phương lân cận.
Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, sân bay Long Thành sau năm 2030 sẽ trở thành sân bay trung chuyển khu vực Đông Nam Á và châu Á vì lý do chính là vị trí địa lý với 3 giờ bay có thể bay đến tất cả các nước Đông Nam Á, châu Á, kết nối Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, thu hút đầu tư, du lịch, nâng tầm Việt Nam trong khu vực và thế giới không chỉ kinh tế mà cả an ninh quốc phòng.
Theo Sở Xây dựng, các định hướng quy hoạch sử dụng đất và phát triển đô thị khu vực sân bay Long Thành đã được đơn vị phối hợp với các sở, ngành, UBND H.Long Thành nghiên cứu đề xuất tích hợp trong quy hoạch xây dựng vùng H.Long Thành và đang trong quá trình thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt. Sở Xây dựng cũng đã tham mưu UBND tỉnh chấp thuận chủ trương lập “quy hoạch chung đô thị Long Thành đến năm 2040” (phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch toàn bộ địa giới hành chính H.Long Thành, trong đó có nội dung nghiên cứu quy hoạch khai thác các lợi thế khu vực sân bay Long Thành mang lại). Nội dung quy hoạch này thay thế cho nội dung “quy hoạch đô thị sân bay và vùng xung quanh sân bay Long Thành” của UBND tỉnh năm 2019. |
Phạm Tùng
baodongnai.com.vn